Vấn đề “phong kiến” mà mình đề cập ở đây là lối làm việc “top-down”: cấp trên có quyền quyết định tuyệt đối trong mọi công việc mặc dù không có chuyên môn. Mọi quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích kiểu “anh ko thích”, “sửa lại cho anh”. Việc các bạn thấy rõ nhất là mọi thứ phải “trình sếp duyệt”, “xin ý kiến thủ tướng”. Mỗi con người dù ở cấp bậc nào cũng có thời gian 24h như nhau, chuyên môn chỉ ở 1 lĩnh vực nhất định, hiểu biết của họ chỉ là nhỏ nhoi. Tuy nhiên họ được quyền quyết định đơn giản bởi vì họ CÓ CHỨC CAO. Không ai có quyền xử lý họ khi kết quả xấu. Người Việt Nam với thói quen trốn tránh trách nhiệm, không dám đứng ra lãnh hậu quả nên chẳng bao giờ dám tự ý quyết. Thế nên tốt nhất là hỏi ý kiến cấp trên rồi làm sao cho đúng ngay chóc, có gì xảy ra thì “tại sếp kêu thế” chứ bản thân không chịu tránh nhiệm, chứ lỡ có gì lớn xảy ra thì chết mất xác!
Nhân viên không biết được quyền hạn của mình đến đâu: Bạn từng lâm vào hoàn cảnh làm cái gì cũng hỏi sếp vì sai 1 tí là phải bỏ đi làm lại? Bạn cảm thấy mọi sáng tạo của mình hầu như vứt đi vì sai 1 tí là sếp không chịu, bắt sửa lại từ đầu. Phí mọi thời gian công sức đã bỏ ra.
Vấn đề ở đây là bạn không biết được quyền hạn của mình. Bạn là nhân viên, là cánh tay nối dài của cấp trên. Khi được ký hợp đồng lao động, người chủ sử dụng lao động đã hoàn toàn ý thức được năng lực của bạn, biết rằng bạn làm việc gì sẽ tốt, vậy nên họ trả cho bạn 1 mức lương phù hợp với năng lực. Đồng thời trong mô tả công việc cũng nói lên quyền hạn của bạn là gì, thực hiện những công việc nào.
Tuy nhiên thực tế đi thì việc đầu tiên là phải: làm đúng ý của sếp để không bị đì! Hiệu quả công việc không được ưu tiên mà làm việc gì cũng phải nhìn mặt sếp. Trước tiên phải như thái giám, lấy lòng rồi tính sau, chứ mất việc rồi thì lại mệt mỏi!
Kiểu này nói cho lắm nhưng thực tế chả thay đổi được gì, nhỉ?
Sếp luôn ôm đồm quá nhiều việc: Bạn làm sếp/lead, giao công việc xuống mà nhân viên làm như giỡn mặt, kết quả nào cũng không làm bạn hài lòng. Bạn cảm thấy nhân viên quá vô dụng, phải chi mình phân thân ra, xắn tay áo lên là mọi việc đâu vào đó!
Vì bạn không ý thức được sự khác biệt. Bạn không biết cách phân phối đúng người đúng việc, sao cho phù hợp với thế mạnh của từng cá thể. Bạn bỏ quá ít thời gian ra để quan sát, tìm ra điểm tốt của người ta. Bạn để cảm xúc yêu ghét làm mờ lý trí, để cái tôi mình lên cao vút “chỉ có ý tôi là đúng”. Hay có thể là đòi hỏi của bạn quá cao so với thực tế yêu cầu.
Mỗi con người không ai là vô dụng hết. Mỗi người là 1 thế giới nội tâm phức tạp, dẫn đến việc họ có những mối quan tâm, sở thích, kỹ năng khác nhau. Hầu hết chúng ta để những yếu tố liên quan đến ngoại hình làm sai lệch hiểu biết về 1 người nào đó. Tài năng chỉ bộc lộ khi có điều kiện thích hợp chứ không phải hình thức bề ngoài. Quan sát họ đủ lâu thì mắt bạn sẽ chữ O, mồm chữ A vì kinh ngạc.
Viết đến đây mình muốn xóa bài viết này vì rất nhiều người trong chúng ta nhận thức được những vấn đề trên nhưng khi làm thì đủ thứ chuyện khiến không được như ý.Vậy chẳng lẽ là bó tay, kiểu như: “làm sao có thể thay đổi được”?
Câu trả lời là trong chính bản thân mỗi người. Dù bạn trong bất cứ giai đoạn nào, dù là sếp hay nhân viên, thay đổi có xảy ra hay không là do chính bản thân của các bạn. Bắt đầu bằng:
– Làm việc tư duy logic, bớt cảm tính yêu ghét
– Mọi quyết định nên đặt kết quả công việc lên trên, tham khảo đúng ý kiến chuyên môn để quyết định chứ không phải dựa vào quyền lực
– Tôn trọng người chúng ta cùng làm việc, nhìn nhận đúng năng lực của họ
– Hiểu đúng giá trị, năng lực của bản thân, sống sao cho nhẹ nhàng, thanh thản, phải thấy được niềm vui trong công việc