Câu hỏi 1: Game thủ là người chủ sử hữu thật sự hay không ?
Khi nhà phát hành chấm dứt game hay khi một yếu tố ngoại cảnh nào đó game ko còn nữa. Thì Những vật phẩm, nhân vật, đất đai đó còn giá trị gì không? Khi miếng đất bốn mùa của bạn ở Wanaka cũng chẳng thể đem sang Axie để trồng trọt. Thanh Kiếm trong game Ember Sword mà bạn bỏ thời gian công sức tiền bạc ra để có được, bạn cũng chẳng thể đưa sang một game khác để sử dụng nó. Vậy lúc đó có phải chúng ta chỉ là chủ sở hữu của một thứ vô giá trị ?
Cũng giống như bạn có 1 tỷ Việt Nam đồng trong ví, ừ thì bạn là người sở hữu, nắm giữ quyết định nó nhưng khi nhà nước Việt Nam không còn nữa thì 1 tỷ của bạn còn giá trị gì không? bạn không thể đem 1 tỷ đó sang Lao hay mỹ để sử dụng được.
Trả lời: Trước tiên, Sơn hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Khi bản thân của game không còn thì bản chất của mọi vật phẩm cũng chỉ là 1 ĐOẠN CODE và KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ SỬ DỤNG tại 1 thế giới khác.
Một khi 1 thứ không còn bất cứ hình thức nào của giá trị tồn tại trong nó thì giá của nó sẽ bằng 0, ví dụ 1 cái bàn bị hư đến mức không còn xài được thì em phải tốn thêm chi phí cho nhân viên vệ sinh để đem đi đổ giúp. Và ở bên ngoài cuộc sống, yếu tố “giá” thật sự cũng được đánh giá cảm tính khi chai nước suối 500ml có chỗ bán 6k, có chỗ bán 6k5 hoặc 7k (cùng điều kiện được ướp lạnh, chưa tính đến yếu tố mặt bằng), yếu tố “mắc/rẻ” phần lớn phụ thuộc vào độ “giàu” của khu vực đó. Người mua thì dựa vào cảm tính tương đối của bản thân để quyết định khi nào sẽ cần đến dịch vụ đó mà thôi, kiểu như em biết là mua sẽ mắc nhưng do khả năng đáp ứng tức thời nên lần sau khi cần cũng sẽ ra mua vì mức độ chênh lệch là chấp nhận được khi so với nhu cầu sử dụng. Ví dụ trên để cho thấy rằng thật sự “giá” của 1 sản phẩm bất kì cũng rất dao động dựa trên giá trị sử dụng / bối cảnh sử dụng.
Trở lại bối cảnh em nói, khi không còn game thì mọi thứ sẽ mất giá trị sử dụng, chính vì thế việc xác định game nào để đầu tư là một việc quan trọng và cần được đánh giá kĩ lưỡng
Một NPH nghiêm túc cần phải nhận thấy điểm này. Trước tiên, việc mô hình kinh doanh thay đổi từ “bán vật phẩm” sang “thu phí dựa trên giao dịch” sẽ đặt ra nhiều thách thức cho NPH trong việc xây dựng nội dung theo hướng mở bao gồm:
(1) các tính năng cần có để thu hút người chơi
(2) các tính năng cần có để thêm use case cho in-game currency
(3) các tính năng để thu hút sự quan tâm của cộng động
(4) các yếu tố giúp xây dựng văn hóa liên quan đến sản phẩm, tạo sự yêu mến của cộng đồng
Có như thế thì game mới có thể tiếp tục được phát triển trong dài hạn. Và những game như thế mới có thể tạo ra kỳ vọng nhiều nơi NĐT.
Câu hỏi 2: Khi game thực sự trở thành ngành công nghiệp chơi game thì với xu hướng giới trẻ hiện nay thích công việc tư do, thoải mái, vậy, thay vì đi làm Công Nhân, Nhân Viên lương tháng 7.8 triệu họ sẽ chọn ở nhà chơi game. Vậy thì ai sẽ là người tạo ra của cải vật chất để thúc đẩy xã hội phát triển?
Và chơi game có thực sự tạo ra của cải vật chất, hay chỉ là tiền của người này chuyển qua người khác?
Và đến khi game không còn nữa thì những người vào sau có phải là người bị thiệt khi đồng token họ đào ra chẳng biết bán cho ai, sản phẩm NFT trong game mà họ vừa mua thì bán ra liệu có ai cần, hay chỉ để trong ví và sau này đem ra kể với con cháu rằng “Bố từng sở hữu thanh kiếm triệu đô”?
Trả lời: Bất cứ việc gì cũng có tác động đến phương diện xã hội sâu rộng. Sơn xin đưa ra 1 số ví dụ:
– Thương nhân Trung Quốc qua VN thu mua 1 loại nông sản nào đó khiến diện tích canh tác của nó tăng lên đột biến trong 1 thời gian.
– Cơn sốt chứng khoán, vàng, forex làm nhiều người mơ tưởng đến việc làm giàu nhanh chóng. Ngay cả ở thị trường chứng khoán người ta vẫn thao túng hàng ngày và khiến nhiều nhà đầu tư non nớt mất tiền
– Uber / Grab tạo ra các ảo tưởng về thu nhập cao, môi trường làm việc tự do, dễ dàng để tuyển dụng, gia tăng nhanh chóng lượng tài xế để phục vụ cho nhu cầu phát triển thị trường, dẫn đến các tác động tiêu cực trong việc:
(1) nhiều người đầu tư xe oto bằng cách vay ngân hàng
(2) nhiều sinh viên / người mới ra trường chạy grab mà ko nghĩ đến tương lai
– Thị trường crypto tăng trưởng nóng, nhiều người giàu lên nhanh chóng khiến những người khác fomo, bỏ tiền bất chấp rủi ro, tham gia đa cấp chi với niềm tin làm giàu sớm.
Như thế, xã hội luôn đối mặt với những biến động không ngừng. Cơ quan quản lý hoàn toàn không thể theo kịp diễn biến phức tạp của đời sống thường ngày. Vậy phải làm sao?
Thật ra, đây là điều chúng ta phải chấp nhận. Mọi sự phát triển nóng vội nào cũng sẽ đến lúc điều chỉnh để trở về giá trị phù hợp, đó là cái hay của thuyết cân bằng. Trong quá trình này, mỗi người bắt buộc phải trải nghiệm, trả giá, học hỏi và trưởng thành mà thôi.
Sơn cảm ơn hai câu hỏi trên của bạn Phạm Tùng và Sơn cũng rất hoan nghênh mọi người ghé blog đọc xong sẽ có đóng góp ý kiến, đặt câu hỏi trên bài để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ kiến thức và thảo luận các chủ đề đa dạng.
Đặc biệt là các đóng góp được đầu tư thời gian, công sức, kiến thức để diễn tả góc nhìn của các bạn -> Từ đó chúng ta mới có nhiều câu chuyện để nói với nhau. Vì những gì chúng ta nói hoàn toàn có thể là đề tài để bắt đầu 1 câu chuyện mới khác.